Thời gian vừa qua ông Trương Gia Bình có một câu phát biểu dậy sóng, đại loại ông cho rằng việc bán cà phê, bán phở thì không thể gọi là “khởi nghiệp” được. Thật ra câu chuyện lằng nhằng giữa từ khởi nghiệp và Startup đã có từ lâu, điều là do những nhà báo chuyên viết về mảng khởi nghiệp dùng từ không thống nhất khiến độc giả hoang mang, không phân định được.
Có nhiều ý kiến cho rằng Startup là startup, đừng đánh đồng với SME( doanh nghiệp vừa và nhỏ). Cũng có người thì bảo khởi nghiệp là lập nghiệp, bắt đầu một sự nghiệp.
Thật ra việc tranh cãi về khái niệm Startup hay SME cũng tồn tại trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Rất nhiều cá nhân, tổ chức đưa ra nhận định riêng của mình về startup. Vì thế, khó mà có kết luận chung và đúng cho tất cả.
Bắt đầu bằng chữ khởi nghiệp, khởi là khởi đầu, nghiệp là sự nghiệp, có nghĩa là bắt đầu một sự nghiệp thì không có gì sai. Ví dụ, sau khi tốt nghiệp, tìm được một công việc thì đó cũng gọi là khởi nghiệp. Cứ bắt đầu một công việc thì có thể gọi là khởi đầu một sự nghiệp, dù đó chỉ làm thuê.
Về mặt chữ nghĩa là vậy, nhưng về phần đông theo thói quen của người Việt Nam hiện nay, khi nói “Tôi Khởi Nghiệp” thì phần đông mọi người sẽ hiểu là bắt đầu mở công ty, bắt đầu làm chủ. Không ai vừa xin được việc thì nói tôi khởi nghiệp cả, mặc dù về mặt chữ nghĩa không hề sai. Do đó, những nhà báo, những đơn vị truyền thông nên thống nhất cách gọi, khi nhắc đến từ “Khởi Nghiệp” thì ý là mở công ty riêng, bắt đầu làm chủ, dù một mình hay hùn hạp…
Chuyển sang Khởi Nghiệp, Startup hay SME, theo phần đông mọi người sẽ nghĩ Startup là một doanh nghiệp mới thành lập, đáp ứng phần đông nhu cầu thị trường bằng cách tạo ra một sản phẩm, một dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường bằng cách tạo ra một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó mang tính sáng tạo, đột phá, có khả năng tăng trưởng nhanh. Có thể hiểu nôn na, một Startup là một SME, nhưng một SME chưa chắc là một Startup.
Khi nhắc đến Startup thì người ta luôn hiểu đó một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Tất nhiên nếu doanh nghiệp, cá nhân bán phở sáng chế và phát triển một công nghệ nào đó mang tính đột phá về cách tiếp thị, phục vụ hay một điều gì đó khác biệt giúp bạn được nhiêu tô phở hơn, đó cũng gọi là Startup, Startup là một tư duy, không phải là một khái niệm.
Nhưng thật ra, chuyện nhà báo hay bạn đọc nhầm lẫn về khái niệm, câu từ.. không quan trọng bằng doanh nghiệp khởi nghiệp biết mình đang làm gì và hiểu được bản chất vấn đề ra sao.
Bỏ qua hết những tranh cãi về khái niệm, từ ngữ, chữ nghĩa… Điều quan trọng doanh nghiệp quan tâm là doanh nghiệp mình có tăng trưởng hay không, sản phẩm có bạn được không ? lợi nhuận như thế nào ?
Vì thế, mọi doanh nghiệp dù bán phở hay công nghệ cũng nên có một tư duy startup. Đó là việc tạo ra một sản phẩm, một dịch vụ, hay mô hình sáng tạo, mang tính đột phá.
Số cá nhân, doanh nghiệp thất bại thì không nói đến làm gì, còn lại rất nhiều doanh nghiệp đang bị mắc kẹt, loay hoay với những gì mình đang làm. Kiểu như họ bỏ ra quá nhiều công sức nhưng thực sự lợi nhuận thu lại không bao nhiêu. Nhiều khi họ cảm thấy nản.
Nhiều bạn khởi nghiệp nhưng bị mắc kẹt trong tư duy nhỏ lẻ, nên cứ mãi loay hoay, mãi không nâng tầm lên được. Cứ mãi cuốn vào vòng xoáy kinh doanh mà ít khi dành thời gian suy nghĩ việc mình đang làm có gì khác biệt so với đối thủ cũng như để khách hàng chú ý đến? Đã mất công sức kinh doanh thì nên làm cái gì cho đáng ? Khi nỗ lực mãi không thành thì xem lại cách lựa chọn ban đầu của mình hoặc phương pháp mình làm có gì sai? Hãy lựa chọn một thị trường đúng, một cách làm mới hay một hướng đi mới.
Điều khác biệt không phải chỉ ở sản phẩm, có thể đến từ đội ngũ nhân viên, cách tiếp thị, cách bán hàng, cách làm marketing, cách phân phối, cách áp dụng công nghệ.
Thực tế nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mảng công nghệ tại Việt Nam cũng chưa có gì khác biệt, đột phá để xứng đáng với tên gọi Startup. Báo chí, truyền thông nhầm lẫm cũng chả sao, quan trọng là chủ Startup không hiểu mình đang làm gì mới đáng lo ngại. Trong khi một số doanh nghiệp không phải là công nghệ nhưng họ có cách làm khác biệt, sáng tạo, vì thế quy mô tăng trưởng rất nhanh, đó là nhờ họ có tư duy Startup.